Câu hỏi thường gặp

Mẹ Và Bé: Sữa Mẹ Có Thể Chữa Bệnh Chàm Da Cho Trẻ, Đúng Hay Sai?

“Điều gì là nguyên nhân gây ra bệnh chàm da eczema ở trẻ sơ sinh? Và liệu có những biện pháp tự nhiên nào có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh chàm da ở bé hay không?” Ở bài viết này, chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên, và cân nhắc đến yếu tố sữa mẹ tác động đến khả năng trẻ mắc bệnh chàm da.

Viêm da dị ứng (Atopic Dermatitis – AD), hay còn gọi là bệnh chàm da eczema, là một căn bệnh viêm da phổ biến trên thế giới. Mỗi năm, bệnh này có ảnh hưởng đến khoảng 20% trẻ em và khoảng 3% người trưởng thành trên tổng dân số toàn cầu. Có nhiều nhân tố nên sự phát triển phổ biến của bệnh chàm da, trong đó có thể kể đến yếu tố di truyền, rối loạn hệ thống miễn dịch, các yếu tố môi trường, và rối loạn chức năng của hàng rào bảo vệ da tự nhiên trong cơ thể.

Eczema là gì?

Chàm da (eczema) là tình trạng viêm da sần mụn nước do phản ứng với các tác nhân nội và ngoại sinh. Biểu hiện của eczema bao gồm những tổn thương là mụn nước. Eczema là một trạng thái viêm lớp nông của da cấp tính hay mạn tính, tiến triển từng đợt hay tái phát, lâm sàng biểu hiện bằng đám mảng đỏ da, mụn nước và ngứa.

Eczema ở trẻ nhỏ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ và vẻ ngoài của bé.

Nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp, do: nội giới, ngoại giới như­ng bao giờ cũng có vai trò thể địa dị ứng. Về mô học có hiện tư­ợng xốp bào (Spongiosis). Eczema là bệnh ngoài da phổ biến, là bệnh da ngứa điển hình, mạn tính hay tái phát, điều trị còn khó khăn.

Điều gì làm cho sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng đặc biệt và duy nhất cho trẻ sơ sinh?

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho sự phát triển của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Trẻ sơ sinh hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể thông qua sữa mẹ, để phục vụ cho quá trình phát triển và lớn lên. Sữa mẹ cũng có một vai trò hết sức quan trọng đối với hệ miễn dịch của em bé, và hệ miễn dịch lại là một trong những nhân tố chống lại bệnh chàm da eczema ở người. Những thực phẩm người mẹ nạp vào cơ thể thực sự có thể thay đổi thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ. Vì vậy, sữa mẹ là mối quan tâm hàng đầu khi nhắc đến dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh. Một số nghiên cứu đã được thực hiện để xem xét liệu việc cho bé bú sữa mẹ có thể được can thiệp nhằm mục đích ngăn ngừa sự xuất hiện và phát triển của eczema hay không. Kết quả cho thấy, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng bốn tháng đầu có nguy cơ mắc phải bệnh chàm eczema thấp hơn hẳn so với các bé được nuôi bằng sữa công thức. Tương tự như vậy, những đứa bé có tiền sử gia đình mắc bệnh chàm da eczema nặng, chỉ được cho uống sữa mẹ trong vòng bốn tháng sau sinh có nguy cơ mắc bệnh chàm thấp hơn 50% so với những trẻ có cùng tiền sử bệnh của gia đình nhưng được nuôi bằng sữa công thức. Một nghiên cứu khác cho thấy, ở những bà mẹ không mắc phải các chứng dị ứng, như hen suyễn, viêm mũi dị ứng hay bệnh chàm da, việc bà mẹ cho con bú liên tục trong 9 tháng dẫn đến khả năng trẻ mắc bệnh chàm da thấp hơn những trẻ chỉ được cho bú mẹ trong khoảng từ 0 – 3 tháng.

Sữa mẹ có tác động như thế nào đến hệ vi sinh vật trong cơ thể bé (microbiome)?

Microbiome là toàn bộ hệ vi sinh vật tồn tại song song với cơ thể người, có vai trò tác động tích cực lên hoạt động sống của chúng ta.

Microbiome người được hiểu là toàn bộ hệ gen (genome) của các vi sinh vật sống trong và trên cơ thể con người, như các vi khuẩn, thực khuẩn thể, nấm, động vật nguyên sinh và virus. Theo các bài báo kể trên số tế bào người là khoảng 10 ngàn tỉ và chứa khoảng 23.000 gen khác nhau. Trong khi microbiome gồm hơn 100 ngàn tỉ vi sinh vật với hơn 3 triệu gen-không người khác nhau. Quan trọng nhất, các vi sinh vật này không phải là những kẻ xâm lấn mà là có ích và thiếu chúng thì chúng ta không thể tồn tại. Nói cách khác, chúng là một phần không thể tách rời của “con người”, hay con người sinh học là một hệ sinh thái, một “siêu sinh vật” mà con người sinh học hiểu theo nghĩa cũ chỉ là một phần.Vô số vi sinh vật sống trong và trên con người là chuyện không lạ, nhưng coi chúng là một cơ quan của con người “siêu sinh vật” là một quan niệm lạ và có nhiều hệ lụy.

Hơn 200 bài báo khoa học từ dự án HMP (Human Microbiome Project), được khởi động từ năm 2007 ở Mỹ, cho thấy nhiều điều thú vị. Microbiome, nhất là các vi sinh vật trong ruột, cung cấp khoảng 10-15% năng lượng cho con người bằng cách chuyển hóa các carbohydrate thực vật thành các loại đường con người dễ hấp thụ. Không có chúng bản thân các enzyme của con người không tiêu hóa nổi các carbohydrate thực vật đó. Đặc biệt hơn, sữa mẹ chứa các carbohydrate được gọi là glycan mà các enzyme người không thể tiêu hóa, nhưng các enzyme vi khuẩn trong ruột thì có thể. Như thế, nếu không có microbiome thì trẻ sơ sinh không thể phát triển được và con người không thể tồn tại. Ngoài chuyển hóa carbohydrate, microbiome còn tạo ra các vitamin, nhất là B2, B12, tiêu diệt các tác nhân có hại gây bệnh… giúp duy trì sức khỏe. Trong sữa mẹ có chứa một lượng lớn vi khuẩn có lợi và số lượng các vi khuẩn này được truyền sang cơ thể em bé khi bé được cho bú. Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles đã chứng minh rằng những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có một hệ vi sinh vật microbiome trong đường ruột gần giống với hệ vi sinh vật ở sữa mẹ, trong khi những đứa trẻ không được bú mẹ có ít sự đa dạng của vi sinh vật trong đường ruột hơn. Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với sự phát triển của hệ vi sinh vật ở trẻ sơ sinh.

Sữa mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển hệ miễn dịch ở trẻ.

Trong khi nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời về mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và bệnh chàm, người ta cho rằng sự đa dạng vi khuẩn gia tăng có xu hướng là dấu hiệu của đường ruột khỏe mạnh. Thông qua việc đảm bảo sức khoẻ đường ruột, việc cho con bú có thể bảo vệ chống lại bệnh chàm, mà cụ thể là nhờ qua sự đa dạng hệ vi sinh vật đường ruột tăng lên, hệ thống miễn dịch ở trẻ sơ sinh cũng đủ khoẻ mạnh để có thể tự chống lại nguy cơ mắc bệnh chàm.  Mặc dù vậy, các cơ chế chính xác cho hiện tượng này vẫn đang được nghiên cứu.

Các tranh cãi xung quanh việc cho con bú bằng sữa mẹ có tác động đến nguy cơ mắc bệnh chàm da ở trẻ sơ sinh

Các kết quả trong việc nghiên cứu mối tương quan giữa nuôi con bằng sữa mẹ và nguy cơ mắc bệnh chàm da eczema vẫn còn đang được tranh luận.

Hiện nay, chúng ta vẫn đứng giữa hai luồng tranh luận với ý kiến trái ngược đến từ các nhà khoa học. Một mặt, các giả thuyết về mối quan hệ này được cắt nghĩa giống như ở mục trước. Mặt khác, nhiều nghiên cứu lại công bố rằng không có một mối liên hệ nào giữa việc cho con bú bằng sữa mẹ có thể làm giảm thiểu hoặc ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh chàm da eczema ở bé cả. Thậm chí có một vài báo cáo đưa ra quan điểm rằng cho bé bú sữa mẹ làm tăng nguy cơ mắc bệnh chàm do cơ chế chuyển vi khuẩn (cả có lợi và có hại) từ cơ thể mẹ sang em bé thông qua đường sữa mẹ.

Kết luận

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về việc sữa mẹ có thể giúp ngăn ngừa bệnh chàm. Những cách thức tiến hành khác nhau mà các nghiên cứu thiết kế có thể đã ảnh hưởng đến kết quả và đưa đến nhiều bằng chứng mâu thuẫn. Ví dụ, các nghiên cứu khảo sát được hoàn thành ở các bậc cha mẹ về các hình thức cho trẻ ăn có thể không được báo cáo chính xác. Hoặc cũng có nhiều khả năng các hợp chất chưa biết trong sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh chàm. Ngoài ra, tần suất các bà mẹ cho con bú và thời gian cho con bú là hai yếu tố có thể làm sai lệch kết quả hơn nữa nhưng có thể không được tính đến trong các nghiên cứu này. Nói cách khác, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem sữa mẹ có lợi cho bệnh chàm hay không.

Dù vẫn chưa chứng minh được lợi ích của sữa mẹ đối với bệnh chàm da ở trẻ nhưng sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tối ưu để nuôi dưỡng em bé.

Tuy nhiên, có một điều chúng tôi muốn nhấn mạnh, rằng tuy ảnh hưởng của sữa mẹ lên nguy cơ mắc chàm da ở trẻ vẫn còn đang là một tranh cãi, thì nhiều lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đã được công bố kết quả chính xác và được chứng minh dựa trên cơ sở khoa học. Bên cạnh việc tăng cường hệ miễn dịch cho bé, sữa mẹ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng vượt trội hơn trong sữa công thức, và sữa mẹ cũng là một chất xoa dịu tự nhiên, giúp bé thư giãn, thoải mái, bớt đau, bớt khó chịu. Không chỉ dừng lại ở đó, nuôi con bằng sữa mẹ còn mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khoẻ trên cơ thể người mẹ, và một trong số đó là khả năng làm giảm mụn trứng cá. Vì vậy, nuôi con bằng sữa mẹ luôn là một lựa chọn tối ưu cho cả mẹ và bé để cả hai cùng nhận được nhiều nhất những phát triển tích cực về mặt sinh học.

Trả lời